Bàn về thuật dùng người xưa và nay

Việt Nam không có các tiểu thuyết dã sử tầm cỡ, nên xưa nay vẫn mượn những điển tích trong lịch sử và các tiểu thuyết cổ trang Trung Quốc. Từ “Phong Thần Diễn Nghĩa” đến “Đông Chu Liệt Quốc”, từ các truyện về Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Hạng Vũ…, đến những nhân vật và sự kiện trong “Tứ đại danh tác”, nhiều nhất là “Tam Quốc Diễn Nghĩa” và “Thủy Hử”, rồi chuyện về Nhạc Phi là “Nhạc Phi Diễn Nghĩa”.

1. Chuyện xưa
Điển tích dùng người của ta có Trương Hán Siêu là môn khách và Yết Kiêu, Dã Tượng là bộ tướng của Trần Hưng Đạo, rồi Trần Minh Tông trọng vọng Chu Văn An, Lê Lợi tin dùng Nguyễn Trãi, Quang Trung vời La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp), nhà Mạc dùng Tuyết Giang Phu Tử (Nguyễn Bỉnh Khiêm)…

Xem lại các điển tích của ta và Tàu, có nhiều trường hợp chủ công và quân sư đã hợp tác với nhau rồi, chứ không có tích kể về chuyện họ gặp gỡ, đó là các trường hợp như Lê Lợi và Nguyễn Trãi, Tào Tháo và Quách Gia, Viên Thiệu và Hứa Du, Tiều Cái và Ngô Dụng… Những trường hợp có kể về tích gặp gỡ như Cơ Xương mời Khương Tử Nha, Lưu Bang mời Trương Lương, Hàn Tín… Lưu Bị mời Từ Thứ, Khổng Minh và nhận ra Bàng Thống.

Lưu Bị và Từ Thứ
Ai đọc “Tam quốc” cũng biết, sau lần thoát nạn ở suối Đàn Khê, Lưu Bị lạc đến nhà Tư Mã Huy – Thủy Kính Tiên Sinh – gặp được Từ Thứ (Nguyên Trực). Nhận ra Từ Thứ là người có tài, nên có ý mời ông ra giúp mình, ban đầu Từ Thứ từ chối, nhưng sau Tư Mã Huy nói vào ông mới đồng ý. Từ Thứ là người có tài, nên ông muốn tìm chủ có thực lực hơn Lưu Bị để thi thố. Ban đầu mượn cớ “bất tài” để từ chối, đó là Nguyên Trực có ý từ chối thật – Lưu Bị cũng biết thế!

Từ Thứ định ra Kinh Châu giúp Lưu Biểu, nhưng đến nơi thấy Lưu Biểu là người an phận, có lòng thiện nhưng không có chí lớn nên Từ Thứ không theo. Lưu Bị thì có duyên gặp gỡ, lại có lời của Thủy Kính tiên sinh nên Từ Thứ mới theo… Tại sao Lưu Bị “binh ít lương mỏng”, từ khi dựng cờ “đánh trận nào thua trận đấy” lại mời được Từ Thứ? Tại sao Nguyên Trực là người có tài, ông có thể theo phò bất kỳ chủ công hùng mạnh nào, nhưng lại theo Lưu Bị? Theo tôi, vì ba điều sau đây:

a. Lưu Bị lập công
Lưu Bị cùng hai em kết nghĩa tham gia đánh giặc Khăn Vàng, có công nên từng được phong làm huyện úy An Hỉ. Lưu Bị cũng từng tham gia liên minh diệt trừ Đổng Trác. Dũng tướng của Lưu Bị, em kết nghĩa Quan Vũ, một đao chém chết Hoa Hùng – một chiến tướng dũng mãnh – của quân Tây Lương (Đổng Trác) đã đánh bại nhiều tướng của phe “Thập bát lộ chư hầu”.

b. Lưu Bị lập đức
Lưu Bị là người nhân đức. Đi đến đâu, làm quan ở vùng nào (An Hỉ, Tân Dã) ông cũng đều chăm lo cho người dân, coi đời sống người dân là trên hết. Ngay cả trong lúc nguy khốn ông cũng không bỏ dân. Chính vì thế Lưu Bị được người dân yêu mến, sáng tác nhiều bài đồng dao ca ngợi. Đi vào đồng giao là có được lòng dân rồi đó.

c. Lưu Bị lập ngôn
Lưu Bị là người điềm đạm, từ tốn, thật thà… Đối với bề trên thì tôn kính, với người ngang hàng và cấp dưới thì tôn trọng, nói năng chừng mực, chỉn chu, không dùng thế ép người, không ỉ mạnh hiếp yếu… Vì lập ngôn mà Lưu Bị được yêu mến hơn là vì công và đức. Bởi công đức thì Lưu Bị chưa nhiều.

Đọc “Tam quốc” ai cũng biết, trước khi Khổng Minh được Lưu Bị mời, ông ở Long Trung cày ruộng đọc sách, ngao du sơn thủy để tìm hiểu địa lý, đàm đạo với bằng hữu để nắm bắt nhân tình. Khi đã vạch ra được “Long Trung đối sách”, thì chắc hẳn ông biết Tào Tháo thế nào, Viên Thiệu ra sao… Chưa thấy minh công, ông nhất định chưa xuất sơn. Khương Tử Nha lúc đợi thời cũng câu cá bằng cần không lưỡi ở bên bờ sông Vị.

2. Chuyện nay
Ngày nay có câu nói về việc làm công, dùng người: “Nếu anh không xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê anh xây dựng ước mơ của họ”. Ai cũng muốn làm chủ, ai cũng muốn đứng ra dựng cơ đồ, nhưng cần phải nhìn nhận lại các nguồn lực của mình mà lựa chọn. Khổng Minh tạm thời cày ruộng là vì vậy. Hàn Tín làm cảnh vệ cho Hạng Vũ là điều bất đắc dĩ.

Người tài có chính kiến riêng của mình, có đường đi và ước mơ riêng của mình. Từ Thứ theo Lưu Bị nhưng trong tâm vẫn muốn tìm chủ tiềm lực mạnh hơn Lưu Bị. Cho nên khi muốn người tài theo thì anh phải có công, có đức và có lễ. Anh muốn người ta về xây dựng ước mơ cho mình, thì anh phải thuyết phục được người ta là giấc mơ của anh đẹp; rằng sản phẩm của anh có công năng rõ ràng, đơn vị anh có tầm nhìn, sứ mệnh, có vai trò và trách nhiệm xã hội; chứ không thì ai theo?

Người phù hợp
Ai cũng có sở trường và sở đoản của mình. Con cá thì không thể leo cây, còn con mèo thì không thể bơi. Khi Từ Thứ theo Lưu Bị, ông không phải là võ tướng, nên không ai hỏi ông võ thuật thế nào, từng ra trận chém được bao nhiêu tướng. Đòi hỏi một con dê phải kéo cày như con trâu, thồ hàng như con ngựa là điều không hợp lý.

Ngày nay chế độ “tuyệt vời anh minh” của chúng ta đã tạo ra nền kinh tế bết bát, thất nghiệp tràn lan. Kinh tế thì nặng về quan hệ và đút lót nên các doanh nghiệp cả nhà nước và thân hữu sân sau không cần người tài. Tài vào thì cũng làm được gì? Họ không tuyển người tài, họ tuyển người phù hợp. Họ tìm người trơ trẽn và giáo hoảnh, thớ lợ và vô duyên… Những thứ đó người tài không làm được.

Chuyện may rủi
Người đi làm thuê cũng giống như con gái đi lấy chồng, vớ được anh nhà giàu, lại biết tôn trọng và yêu quý con người thì sướng, ngược lại vớ được anh vừa nghèo vừa vũ phu thì khổ. Làm thuê được công ty tiềm lực mạnh thì cơ sở hạ tầng, điều kiện đãi ngộ tốt, lương thưởng bảo hiểm đầy đủ, nghỉ lễ không bị trừ công.

Vì nền kinh tế bết bát nên các ông chủ đang có ưu thế trước người làm thuê. Người thất nghiệp tràn lan nên không dùng người này dùng người khác. Tuy nhiên, một đơn vị không ổn định nhân sự là một đơn vị yếu. Một đơn vị hiệu năng kém là một đơn vị không thể phát triển. Một đơn vị không hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thì không thể thành công được. Cho nên xã hội có hàng vạn, hàng triệu người làm kinh tế nhưng chỉ có vài ngàn người tồn tại, vài trăm người thành công.

Luận thế sự
“Ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm.” Tuyển quân về họ chỉ làm tay sai cho anh, ăn lương (thảo) của anh, còn tìm tướng về họ lo chuyện thường nhật cùng anh. Mà tìm tướng bắt buộc anh phải có “lễ”. Kẻ phàm phu chỉ tìm được kẻ phàm phu. Có lễ anh mới tìm được quân sư giỏi, danh tiếng của quân sư đó mới kéo mọi người về bên anh. Lễ không chỉ dùng trong ngoại giao, mà còn dùng trong giao thiệp hàng ngày. Người vô lễ ắt không tìm được thày (sư) giỏi.

Một doanh nghiệp vốn có thể ít, cơ sở vật chất có thể sơ sài, nhân lực có thể mỏng, nhưng văn hóa doanh nghiệp nhất định không thể yếu. Văn hóa doanh nghiệp không hài hòa thì nhân viên không yêu mến. Phê bình công khai, khen ngợi kín đáo thì nhân viên chán ghét. Chán ghét thì không nhiệt tình. Các ông chủ thường đối phó bằng cách quản lý giờ giấc, nhưng nhân viên thì có vô vàn cách để đối phó.

Việc dùng tiền (vốn) ngày nay cũng giống như dùng quân ngày xưa vậy. Tiền đổ vào nơi không sinh lời cũng giống như thua trận mà mất quân vậy. Nhu cầu thiết yếu của quân là lương thực (gạo, thịt, rau), nhu cầu thiết yếu của vốn là phải sinh ra lợi nhuận. Tiền đi vay ngân hàng thì nhu cầu cần sinh lời phải càng cao. Cho nên, nếu không thể xây dựng được một thương hiệu tốt, một hệ thống có hiệu năng cao thì đừng làm kinh tế.

Lời kết
Ôn cố tri tân, bàn chuyện xưa để lấy bài học kinh nghiệm cho ngày nay. Xưa chiến trường ác liệt thì nay thương trường cũng khốc liệt. Với thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thì chưa có ông chủ nào đáng theo nếu luận về hùng tâm, hùng chí và tiềm lực. Cho nên tôi khuyên những người có thực tài là: cứ ở nhà cày ruộng như Khổng Minh chứ đừng làm kẻ hầu như Hàn Tín, vì như thế để tích xấu muôn đời. Hạng Lương không đủ tài để nhìn ra cái đại tài của Hàn Tín.

Đọc sử xưa để suy ngẫm chuyện nay, điển tích của ta ít nên tôi mới phải mượn tích sử bên Tàu, đừng trách tôi sính Trung Quốc. Tôi là người Việt Nam, kế thừa và phát triển văn hóa Việt Nam. Mong các tiểu thuyết gia có năng lực văn chương hãy sáng tác nhiều truyện dã sử hay cho Việt Nam. Truyện dã sử xưa nếu quá khó thì hãy viết về cuộc chiến gần đây nhất. Xin hãy viết trung thành với sự thật để người sau có thể hiểu được người, hiểu được thời đại. Bản chất của sáng tạo là kể chuyện.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

2 Responses to Bàn về thuật dùng người xưa và nay

  1. Tim says:

    “Mot dem gio Bac lanh;
    muon dam phu may day
    hoa tuyet roi la ta
    non song chot doi thay
    coi lua qua cau nho
    thuong tiec khom mai gay.”

    Tho trong Tam Quoc Chi; tang ban hien, bai viet that co khi khai, mong gap minh quan.

    Thích

    • Vien says:

      Cảm ơn Tim!

      Người nhân đức ở Việt Nam thì chưa có tiềm lực. Đến cao minh như Alan Phan về Việt Nam ông cũng phải bó tay. Tự làm thì không quen kiểu thiếu minh bạch như ở Việt Nam. Làm cho người thì không ai mướn, vì kinh tế Việt Nam không cần người tài.

      May là cuối đời Alan lập ra trang “Góc nhìn Alan”, bày cho đời góc nhìn của mình với nhiều kiến thức quý báu. Kiến thức, kinh nghiệm, tư duy và tầm nhìn toàn cầu của Alan rất quý cho doanh nhân. Thôi thì không tìm một môi trường nữa, những người tài Việt Nam hãy tạo ra môi trường.

      Tuy là chính phủ hứa kiến tạo môi trường khởi nghiệp, nhưng khởi nghiệp thế nào ở Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng ở mức đáy, lãi suất cho vay của các ngân hàng thì cao ở mức phi lý, còn giá bất động sản ở mức trên trời. Hệ thống này có lẽ không cải tạo được đâu.

      Trân trọng!

      Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.