Chút kĩ thuật cho các anh thợ vườn

Phần lớn người Việt Nam vẫn tự xây lấy nhà cho mình, và họ thường thuê các nhóm “thợ vườn” thực hiện. Đại đa số các gia chủ và các nhóm thợ vườn lại không có kiến thức xây dựng, nên có rất nhiều nhà, dù làm mái bằng bê tông nhưng mưa vẫn bị dột tong tong như nhà mái tranh, mái ngói hở…

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, xây nhà là một trong ba việc quan trọng trong đời của người đàn ông, đó là “Tậu trâu, lấy vợ, xây nhà”. Ngày nay tương ứng với sự phát triển của xã hội, ta có thể dịch thành “chọn nghề, lấy vợ, xây nhà”. Và việc tự xây cất nhà vẫn còn phổ biến, dù mười năm trở lại đây, việc xây dựng các chung cư và nhà liền kề diễn ra khá rầm rộ ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Việt Nam ít sóng thần và động đất, miền Bắc và bắc miền Trung mỗi năm có vài cơn bão, nên người dân hai vùng này vẫn dùng các vật liệu nặng đề xây nhà với phương châm chắc và bền. Cách xây phổ biển của người dân hai vùng là giằng móng (có thể cả móng), cột nhà và mái nhà được đúc bằng bê tông cốt thép, tường xây bằng gạch. Nam bộ và nam miền Trung cả trăm năm mới có một cơn bão, nên người dân xây nhà cẩu thả hơn. Khi say về, họ muốn vào nhà bằng hướng nào cũng được.

Tuy vậy, từ sau năm 1975 người dân ở hai miền Bắc và bắc miền Trung di cư vào miền Nam và Tây Nguyên rất nhiều. Họ mang theo văn hóa xây dựng nhà của hai vùng này, nên có thể nói cả Việt Nam bây giờ có cách xây nhà gần như nhau. Hệ lụy của điều này là đi đâu trên đất nước Việt Nam ta cũng thấy cơ sợ hạ tầng gần như nhau, một sự đơn điệu đến buồn chán. Có lẽ nhà ở Việt Nam bây giờ chỉ còn phân biệt ở những nhà quá giàu hoặc quá nghèo. Một bên là biệt thự, một bên là nhà tranh.

Bài viết này bổ túc kĩ thuật xây dựng cho các anh thợ vườn ở phương pháp xây dựng dân dụng, đó là dùng các vật liệu thông thường là bê tông, cốt thép và gạch vữa. Giằng móng, khung và mái nhà được đúc bằng bê tông cốt thép. Cụ thể là bổ sung kiến thức để hạn chế việc tệ nhất, đó là làm sao cho các nhà mái bằng bê tông không bị dột như mái tranh, mái ngói…

bo-tri-cot-thep-trong-dam

Do điều kiện kinh tế ở Việt Nam, các mái nhà bê tông của các hộ thường được đúc chỉ có một lớp cốt thép. Vậy nên các anh thợ vườn cần phải nắm vững kĩ thuật, để linh hoạt bố trí cốt thép vào đúng vị trí chịu lực – phần mái (và dầm) chịu kéo. Đây là cũng là kiến thức căn bản nhất về bê tông cốt thép của các ngành xây dựng (thủy lợi, dân dụng, giao thông) ở thời đại bê tông hóa toàn xã hội.

Bê tông là đá nhân tạo. Đá trong tự nhiên có nhiều loại, với cường độ (độ cứng) khác nhau. Bê tông cũng có nhiều loại, với độ cứng khác nhau, tùy vào việc ta chọn mác khi đúc. Đá và bê tông có điểm chung là chịu nén tốt, nhưng chịu kéo rất kém. Thép chịu nén tốt hơn đá và bê tông một chút, nhưng chịu kéo thì tốt đá và bê tống rất nhiều. Cho nên khi xây nhà, người ta phải bố trí cốt thép vào bên trong bê tông để tăng cường khả năng chịu kéo cho bê tông.

Mái nhà bằng bê tông thì khi đúc, ta dựng dàn giáo để đúc. Mặt đỡ của dàn giáo, tất nhiên song song với mặt đất – thế mới gọi là nhà mái bằng. Khi đủ 28 ngày, mái đủ 100% cường độ ta dỡ dàn giáo ra, ở phần giữa mái nhà sẽ võng xuống bên dưới một chút. Kể cả dầm đỡ, khi ta dỡ dàn giáo ra, phần giữa dầm cũng võng xuống bên dưới một chút. Khi đó ta gọi là mái nhà và dầm đỡ đang làm việc, khi làm việc chúng bị – biến dạng – cong xuống.

Nếu để ý ta sẽ thấy, phần nửa trên của dầm đỡ (và mái nhà) bị nén lại, và nửa dưới của chúng thì bị dãn ra. Mặt phẳng ngăn cách hai vùng đó – trong kĩ thuật – người ta gọi là mặt phẳng trung hòa. Như đã nói bên trên, bê tông chịu kéo  kém nên phải bố trí cốt thép vào bên trong bê tông, để gia tăng khả năng chịu kéo. Vậy thì phải bố trí cốt thép vào nửa bên dưới dầm – vùng chịu kéo. Phần lớn các anh thợ vườn khi đúc mái nhà, theo cảm tính của mình, thường để cốt thép ở tầm giữa mái nhà. Xin thưa, để ở giữa thì không có tác dụng gì, chỉ phí thép.

Các cột bê tông thì chịu nén, nhưng người ta vẫn phải bố trí bốn thanh thép ở bốn góc để đề phòng trường hợp nén lệnh tâm. Cốt thép đai có tác dụng định vị và phân tán đều lực cho các cốt thép chủ. Một điểm nữa là cốt thép phải được bố trí nằm chìm trong lòng bê tông tối thiểu 2cm để chống rỉ. Tuổi thọ bê tông cốt thép – theo quy trình xây dựng – là vài chục năm. Nhưng nếu cốt thép bị hở, thì tuổi thọ chỉ được vài năm.

Bê tông là sự phối hợp cấp phối của các hạt to nhỏ khác nhau, trộn đồng đều để bịt kín (lấp đầy) các lỗ rỗng. Nếu trộn không đều hoặc dũi đầm dùi quá lâu (phân tầng) thì không những hở cốt thép, cường độ bê tông kém, mà nước có thể ngấm qua bê tông được. Đó chính là nguyên nhân nhà mái bằng bê tông mà vẫn có thể bị dột tong tong như mái nhà tranh, mái ngói hở… Chút kĩ thuật chuyên môn cho các anh thợ vườn!

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.