Nhiệm vụ thời đại

Mỗi một thế hệ sinh ra có một nhiệm vụ lịch sử nhất định, nên thế hệ trước không thể bắt thế hệ sau phải có những trải nghiệm như mình, để rồi có suy nghĩ giống mình đối với các vấn đề của cuộc sống. Thế hệ trước thường áp đặt tư tưởng của mình lên thế hệ sau, nhưng thế hệ sau thường không nghe.

Tổng thống thứ hai của nước Mỹ – John Adams – nói: “Tôi phải học chính trị và quân sự, để con tôi được thảnh thơi học toán và triết. Con tôi phải học toán, triết, kinh tế, và các môn khoa học kỹ thuật, để cháu tôi có quyền học các môn nghệ thuật”. Ngẫm câu nói này với nước Việt, nhiệm vụ thời đại của thế hệ sau chiến tranh vẫn là khoa học và kinh tế. Nhưng cũng không có nhiều cơ hội cho họ.

Thế hệ 4x và 5x ở Việt Nam sinh ra trong thời loạn, nhiệm vụ thời đại của họ là phải học rồi thực hành chính trí và quân sự. Là một nước nhược tiểu, Việt Nam không có sự lựa chọn trong cuộc chiến ý thức hệ có quy mô trên toàn thế giới. Rồi đất nước bị chia làm hai phe trong một cuộc chiến ủy nhiệm tàn khốc, tang thương và ly tán. Nhiều người đi chiến tranh vì không muốn kẻ khác đến đất nước mình rồi bắt mình làm theo ý nó – như hàng ngàn năm qua người Việt Nam vẫn thế.

***

Sau chiến tranh, đất nước hoang tàn cộng với những sai lầm trong quản lý kinh tế, ba thế hệ 4x, 5x, 6x phải trải nghiệm cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong chiến tranh, khi mà niềm tin còn nhiều, cộng với việc sống giữa cái sống cái chết, người ta dễ chấp nhận khó khăn hơn. Còn khi hòa bình, người ta thấy khó khăn chẳng qua là điều xuất phát từ sự ngăn cấm, bó buộc là vô lý. Người ta đã phá rào, vì “cây đời luôn mãi xanh tươi”.

Rồi khi đổi mới sang nền kinh tế tự do hàng hóa, đất nước phát triển, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn. Cho đến nay (năm 2017), ở các thành phố cuộc sống khá đầy đủ, với của cải hàng hóa tràn ngập xã hội, nhưng ba thế hệ 4x, 5x, 6x vẫn mang những tâm lý khốn khó từ thế hệ trước áp vào các thế hệ sau. “Ngày xưa chúng tao… “.

Giới trẻ ngày nay thực dụng là do người già, thế hệ ngày nay thực dụng là do thế hệ trước. Trong các câu chuyện của mình, những người già vẫn nói với nhau rằng: “Ôi, thằng đó bây giờ làm giám đốc, kiếm mấy chục triệu một tháng”, hay “Con bé đó bây giờ làm cho công ty nước ngoài, đã mua ôtô để đi”. Người ta quy kết tài giỏi là kiếm được nhiều tiền, sự thành đạt được gắn với các giá trị vật chất.

***

Để phát triển, đất nước cần cả những người thực dụng và mơ mộng, cần cả người ứng dụng và sáng tạo. Rất nhiều người trẻ có khuynh hướng sáng tạo và nghiên cứu, nhưng vì chạy theo lối sống thực dụng của thời đại, hoặc bị người lớn định hướng sai đường, mà lãng phí tài năng thiên phú của mình. Đây không chỉ là sự lãng phí của cá nhân, mà là sự lãng phí của cả đất nước.

Ngày nay người Việt Nam không dám mơ mộng, không tin vào điều kỳ diệu và coi thường những người nghiên cứu. Mà đã là nghiên cứu thì như Einstein nói, đó là những người “không biết chính xác mình đang làm gì”. Không biết mình đang làm gì thì làm sao mà ra tiền được, làm sao mà bằng được kẻ cho vay nặng lãi? Nhưng khi họ thành công, cả đất nước phát triển. Kẻ tìm lối thoát cho cá nhân khác người tìm lối thoát cho đất nước.

Thằng Bờm đói chỉ nhìn nắm xôi. Những người đi sai đường bước vào lăn lộn với thị trường, bon chen với xã hội trong điều kiện đất nước không có nhiều cơ hội cho họ, bởi từ lâu vẫn có câu “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”. Những người già không biết rằng: một đất nước thủ cựu thì nền kinh tế phụ thuộc vào ngân sách, ngân sách eo hẹp thì nền kinh tế chỉ có quy mô nhỏ.

Vậy thì làm giàu ở Việt Nam có rất ít người làm được từ sáng tạo, chất xám (chất lượng sản phẩm, dịch vụ) mà đa số là từ quan hệ, ăn bớt, chộp giật, lừa đảo. Bấy nay người Việt Nam – có câu ví đau đớn là – toàn “chó gặm xương chó, thằng này lên đạp thằng kia xuống. Và những kẻ “tài giỏi” đó chỉ làm cho đất nước nghèo đi, tước mất cơ hội của những người tử tế.

***

Vậy thì nhiệm vụ thời đại của các thế hệ 7x, 8x, 9x Việt Nam vẫn là khoa học và kinh tế. Khi mà họ không còn phải nấu cơm bằng rơm rạ (và than), không còn phải giặt quần áo bằng tay, họ có nhiều thời gian rảnh rang hơn để suy nghĩ và sáng tạo. Thế hệ trước không thể bắt họ có những trải nghiệm ghê gớm trong chiến tranh và thời hậu chiến.

Hai thế hệ 9x và 2k hoàn toàn không có ý niệm về chiến tranh, về đảng và bác Hồ. Không thể nói những lời hào hùng xưa cho chúng được, vì chúng có trải nghiệm đâu mà tin? Hai thế hệ 7x, 8x còn không tin được nữa là? Nhiệm vụ thời đại của chúng khác. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng chúng ta cần xếp lại quá khứ để sống với thực tại.

Ngày nay chúng ta còn nhắc về ba lần thắng quân Nguyên Mông, tại sao đảng đã vội lo sợ người ta quên công của mình? Trong những lần chiến thắng trong lịch sử, các vương triều sau chiến tranh thường hủ bại, liệu bây giờ đảng có hủ bại không? Thực hiện nhiệm vụ thời đại đã khó, đấu tranh để giành được quyền thực hiện nhiệm vụ ấy cũng không hề đơn giản. Chẳng lẽ giới trẻ chúng tôi phải học lại chính trị và quân sự?

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.