Bản chất của sáng tạo là kể chuyện

Như chúng ta đều biết, trong xã hội có bảy loại hình nghệ thuật: thi, ca, cầm, họa và cho đến điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Trong các loại hình này thì truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và điện ảnh thì đương nhiên là kể chuyện rồi, nên tôi không cần phải chứng minh. Vậy việc của tôi là cần chứng minh, khi sáng tác những bài thơ, bài ca, bức ảnh, bức họa là kể những câu chuyện nữa là được. Tuy nhiên, tôi sẽ mở rộng hơn cả điều đó.

1. Sáng tạo nghệ thuật
Sáng tác một bài thơ cũng như kể một câu chuyện, cũng có mở bài, thân bài và kết luận. Những câu thơ đầu mở ra vấn đề, các câu thơ sau là diễn giải những diễn biến của vấn đề và các câu thơ cuối là kết luận vấn đề. Thực ra, chuyện này đã được quy định trong hai thể thơ của thời nhà Đường đó là thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú, với quy định về một trình tự chặt chẽ trong các câu đề, thực, luận, kết.

Sáng tác một bài hát cũng là kể một câu chuyện, cũng có những câu mở đầu là vào vấn đề, rồi đến các câu sau là diễn biến của vấn đề và sau đó là các câu cuối là kết luận vấn đề. Ví dụ, khi sáng tác một khúc tình ca thì ban đầu sẽ kể hai người gặp nhau ra làm sao, khi yêu nhau thì hạnh phúc say đắm ra sao, rồi khi chia tay thì đau khổ, nhớ nhung, tuyệt vọng như thế nào. Tất cả từ đầu cho đến cuối đều là trình tự của một câu chuyện.

Vẽ một bức tranh cũng là kể một câu chuyện. Họa sĩ khi sáng tạo sẽ dựng hình trên toàn bức tranh. Bản chất là tác giả cụ thể ý tưởng của mình vẽ gì để truyền tải thông điệp gì. Sau khi hoàn thành bức tranh thì từng vị trí trên đó, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, dù được tô màu gì đều có nhiệm vụ mô tả không gian tại đó. Tất cả ghép lại thành tổng thể chung chính là khung cảnh của bức tranh, mang thông điệp mà người vẽ muốn truyền tải đến với người xem. Với một bức ảnh cũng vậy, dù hoạt động chọn thời điểm và góc độ khi chụp hình khác với việc dựng hình và tô màu khi vẽ tranh

2. Sáng tạo ngoài nghệ thuật
Dựng một video clip ngắn để giới thiệu một địa điểm, một vấn đề, một cá nhân, một tập thể để khen ngợi hay phê bình, thậm chí dựng clip để giới thiệu một sản phẩm với mục đích bán hàng cũng là kể một câu chuyện. Ban đầu là khung cảnh nhìn tổng quan từ xa lại (viễn cảnh), sau đó là dần dần đến gần (trung cảnh) ra sao và cuối cùng là cụ thể đến chi tiết từng bộ phận (cận cảnh) như thế nào. Đó thực ra cũng là từng bước của mở bài, thân bài và kết luận. Vào một ngôi nhà phải đi qua cổng, vào sân, rồi mới vào đến phòng khách, phòng ăn…

Thậm chí viết một bài báo, một mẩu tin nhanh – chỉ đưa tin không phân tích và bình luận, thậm chí một bài viết bán hàng cũng là kể một câu chuyện. Sáng tạo các nội dung này cũng cần có mở vấn đề, diễn biến và đặc điểm, tính chất vấn đề và cuối cùng kết lại vấn đề. Bài báo thì là một bài nghị luận xã hội, có những ý kiến bình luận và đánh giá của tác giả thì đương nhiên là kể chuyện, điều này có lẽ không cần phải chứng minh. Nhưng một mẩu tin nhanh và một bài viết bán hàng cũng là kể chuyện sao? Tôi sẽ chứng minh dưới đây.

Với một mẩu tin và một bài bán hàng, rõ ràng sau khi xong câu tiêu đề – nhớ là bài viết bán hàng cũng cần có tiêu đề – thì khi vào nội dung bài, ban đầu người viết cũng cần mở ra vấn đề là gì, với bài tin thì điều gì xảy ra ở đâu và kết quả thế nào, với bài bán hàng thì cần phải đưa ra các thông số và sau đó là giá cả. Cuối cùng của bài tin là rút ra kết luận gì, người đọc biết được điều gì và cần phải lưu ý gì. Còn với bài bán hàng thì cam kết của người bán ra sao, liên hệ với người bán như thế nào. Tất nhiên, một bài tin nhanh cần có mở rộng vấn đề nhiều hơn là một bài bán hàng.

3. Kết luận
Như vậy chúng ta thấy, không chỉ sáng tạo nghệ thuật là kể một câu chuyện, mà sáng tạo ngoài nghệ thuật cũng là kể một câu chuyện. Vì khi đưa ra một sản phẩm trí tuệ mới đến với khán giả là đưa ra một câu chuyện đến với họ. Tất nhiên, các tác giả không thể vào thẳng ngay diễn biến chính của câu chuyện được, mà phải đi theo tuần tự các bước giới thiệu mở đề, rồi mới đến diễn biến chính của vấn đề đó là các logic về trình tự, đặc điểm, tính chất của vấn đề, cuối cùng là lời kết thúc của vấn đề. Rõ ràng các bước này như là trình tự của một câu chuyện, cho nên bản chất của sáng tạo là kể chuyện.

Sáng tạo là một việc khó, người sống trong môi trường sáng tạo phải chịu áp lực rất lớn, họ không biết mai mình sẽ làm những gì, nhưng cuối ngày vẫn phải có sản phẩm để báo cáo. Sáng tạo tự do từ những ý tưởng chợt đến thì dễ hơn và thường cho ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn. Còn sáng tạo theo nhiệm vụ, theo kế hoạch thì khó hơn. Sống trong tâm thế không biết ngày mai mình sẽ làm gì, nhưng cuối ngày vẫn phải có sản phẩm không hề dễ. Khi đó, để tự vệ thì tất nhiên người ta sẽ luyện cho mình kĩ năng sáng tạo.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.