Học thuật là gì?

Một vài từ ngữ chuyên môn khó hiểu làm mọi người xa lánh giới hàn lâm. Kỳ thực, kiến thức hàn lâm không hề khó hiểu, nếu mọi người chịu khó nắm bắt nghĩa của một vài từ cơ bản. Bài viết này tôi sẽ giải nghĩa từ “học thuật”, một từ vừa là căn bản, vừa rộng nghĩa nhất giới hàn lâm.

“Học thuật”, theo cách giải nghĩa hiện nay, là toàn bộ những giá trị có được từ việc học tập và nghiên cứu. Đó là những giá trị tinh hoa, tinh túy, cốt lõi nhất của trí khôn và tư tưởng. Những giá trị này không chỉ có trong các môi trường hàn lâm thiên về lý thuyết, mà có cả ở ngoài thực tiễn, đúng hơn là có trong tất cả các môi trường, lĩnh vực của cuộc sống.

Nền học thuật là gì?
Một bài toán trước nay có hai cách giải, bỗng một hôm có một học sinh nghĩ ra một cách giải thứ ba “hay hơn, ngắn hơn” thì cách giải thứ ba đó là một giá trị học thuật. Một đoạn mã lập trình có độ dài nhất định, vào một ngày đẹp trời, nó được một lập trình viên tối ưu bằng cách thu gọn được chiều dài, nhưng vẫn giữ nguyên được chức năng, thì đoạn mã thu gọn đó là một giá trị học thuật.

Mồi một câu nói hay, một đoạn văn hay, một bài thơ hay, một bài xã luận hay là một giá trị học thuật… Mỗi một tiên đề, nguyên lý, định luật, hệ quả của khoa học là một giá trị học thuật… Nền học thuật Việt Nam là toàn bộ những giá trị trí tuệ tinh hoa viết bằng tiếng Việt. Nền học thuật nhân loại là toàn bộ những giá trị trí tuệ tinh hoa viết bằng tất cả các thứ tiếng.

Sáng tạo trong cuộc sống
Trước nay chúng ta vẫn cho rằng việc học tập, nghiên cứu là việc ở trong các nhà trường hay viện nghiên cứu, nên ngầm định rằng các giá trị học thuật chỉ được tạo ra trong các môi trường đó, và chúng chỉ mang tính lý thuyết. Thực ra, việc học tập và nghiên cứu có ở mọi nơi trong cuộc sống. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Cho nên, học thuật là toàn bộ những giá trị sáng tạo của chúng ta ở tất cả mọi nơi.

Trong cuộc sống, mỗi một sáng kiến trong lao động, sản xuất, chiến đấu, thậm chí vui chơi, giải trí, nhằm cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm hay giúp mọi người cảm thấy vui vẻ và thư giãn đều là một giá trị học thuật. Có những sáng kiến không thể nói ra bằng lời, chỉ bản thân người đưa ra sáng kiến và những người xung quanh họ biết, cho nên nền học thuật nói chung rất rộng.

Sáng tạo là sức mạnh
Chúng ta cần đánh giá đúng vai trò và ý nghĩa của các giá trị học thuật. Trước nay chúng ta có tâm lý coi nhẹ các giá trị học thuật nhỏ, nhưng tập hợp trí tuệ nhân dân đã giúp Việt Nam đánh đuổi được giặc ngoại xâm ở các thời đại trong lịch sử. Cũng chính tập hợp trí tuệ nhân dân đã giúp các nước phương Tây phát triển nhanh để dẫn đầu nhân loại. Một đất nước muốn phát triển thì phải có nền học thuật phát triển, muốn nền học thuật phát triển thì phải có tự do học thuật.

Một cách liên tưởng thú vị là, nghĩa của từ “học thuật” có thể hiểu gần như là nghĩa của từ “văn hóa” – là toàn bộ những “cái hay và cái đẹp” của cuộc sống, “học thuật” là toàn bộ những “cái hay và cái đẹp” của tri thức. Ngoài lĩnh vực khoa học gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các giá trị học thuật còn có ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhân loại chúng ta luôn nỗ lực không ngừng để sáng tạo ra các giá trị học thuật mới.

Học thuật nghĩa gốc
Thực ra, từ ghép “học thuật” dịch theo đúng nghĩa của hai từ đơn là từ học và từ thuật, thì có nghĩa là phương pháp học, cách thức học, thủ thuật học… Nhưng do mỗi người học lại có một cách thức tiếp cận và nghiên cứu vấn đề rất khác nhau, nên thường đưa ra những kết quả khác nhau, kể cả khi cùng nghiên cứu một vấn đề. Cho nên, từ “học thuật” được giải nghĩa xa hơn trong từ điển thành: những kết quả của việc học tập và nghiên cứu.

Với cách giải nghĩa này, từ “học thuật” hiện nay đang được hiểu gần như từ “tri thức”, là những hiểu biết có hệ thống của con người về thế giới tự nhiên (khoa học tự nhiên) và đời sống con người (khoa học xã hội). Bởi thực ra, những hệ thống hiểu biết đó chính là “kết quả của các quá trình học tập và nghiên cứu”. Từ “giá trị” giới học thuật mượn của xã hội mang vào trong giới của mình cũng có cách hiểu nghĩa gần như thế.

Đôi điều suy nghĩ
Dịch vụ của thaoluan247.net là hỗ trợ học thuật – tức hỗ trợ sự sáng tạo. Thaoluan247.net hân hạnh được hỗ trợ, giúp đỡ mọi người – nhất là các bạn trẻ – sáng tạo ra các giá trị học thuật mới. Sự sáng tạo chỉ trở thành các giá trị học thuật khi các ý tưởng được hoàn thiện thành sản phẩm một cách bài bản. Giá trị các bạn đạt được khi tương tác với thaoluan247.net là rất lớn, xin hãy cân nhắc!

Vì mọi người cho rằng thế giới học thuật, cho rằng kiến thức hàn lâm quá khó hiểu, nên xa rời thaoluan247. Chủ nhân của nó đành phải tạm gác blog này lại mà đi làm kinh tế. Dịch vụ hỗ trợ sáng tạo của thaoluan247 quá mới mẻ trong xã hội nên ế ẩm. Cũng phải, vì ở một đất nước khủng hoảng về mọi mặt như Việt Nam bây giờ, thì các giá trị học thuật bị coi nhẹ. Đó là điều đáng buồn!

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

11 Responses to Học thuật là gì?

  1. Briu Liên says:

    2022…bài viết rất giá trị…

    Thích

  2. AnD says:

    Cảm ơn bài viết của bạn, tuy nhiên tôi muốn hỏi, tại sao bạn lại cho rằng Việt Nam là đất nước khủng hoảng về mọi mặt? Và các giá trị học thuật ở đây bị coi nhẹ như thế nào?

    Thích

    • Thành says:

      Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn. Tuy nhiên, bạn hãy để ý thời điểm của bài viết. Thời điểm đó Việt Nam khác và hiện tại Việt Nam khác.

      Thích

      • AnD says:

        Ui xin lỗi bạn vì không đọc kĩ, lúc bạn viết bài tôi mới có mười hai tuổi. Thời điểm hiện tại thì Việt Nam cũng đã phát triển hơn rất nhiều rồi ạ, có lẽ còn hơn nữa nếu không có dịch bệnh…

        Thích

        • Thành says:

          Nền học thuật Việt Nam đã phát triển từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới phát triển. Kể cả là khi chưa có chữ viết, thì các câu chuyện vẫn được truyền miệng để lưu đến mai sau, qua các loại hình nghệ thuật như thơ, ca, văn, phú, hịch, chèo, tuồng, xẩm…

          Vấn đề của nền học thuật Việt Nam giai đoạn bài viết ra đời là đạo đức xã hội xuống cấp, giá trị vật chất lên ngôi, người ta vì tiền mà coi nhẹ các giá trị học thuật… Không tôn trọng các giá trị học thuật nên cũng coi nhẹ việc sáng tạo ra các giá trị học thuật mới, không chỉ ở tầm vóc quốc gia, mà ở cả tầm vóc nhân loại.

          Thích

          • AnD says:

            Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn, không chỉ giá trị học thuật mà việc sáng tạo ra giá trị ấy cũng bị coi nhẹ, xem thường. (Ví dụ như vấn đề bản quyền.)
            Một câu hỏi cuối cùng có phần riêng tư đó là bạn có chia sẻ rằng bạn quan tâm tới ngôn ngữ học và tiếng Việt, vậy bạn thường tham khảo thông tin, kiến thức ở tài liệu nào hay do chuyên ngành? Bạn có thể không trả lời cũng được ạ. Dù sao thì rất cảm ơn vì bạn đã nhiệt tình phản hồi.

            Thích

            • Thành says:

              Tôi không giỏi ngoại ngữ, nên không thể đọc các tài liệu về ngôn ngữ học bằng các thứ tiếng. Tất nhiên tôi có thể dùng Google dịch để đọc, nhưng tôi chưa yêu ngôn ngữ học đến mức bỏ thời gian và tâm trí ra làm việc đó.

              Còn các tài liệu tiếng Việt thực ra tôi đọc rất ít, cả trên mạng và tài liệu giấy. Nhà tôi chỉ có một cuốn từ điển Hán Việt rất nhỏ. Tôi thường tra từ điển Hán Việt và tiếng Việt trên mạng. Những điều tôi viết ra là từ đào sâu suy nghĩ và suy nghiệm.

              Thích

  3. Nguyễn Kim Thoa says:

    Cám ơn quý Thầy đã giải thích rất hay ạ !

    Thích

  4. Phan Tử Minh says:

    Làm sao tôi có thể liên hệ với bạn? Tôi cũng quan tâm đến vấn đề học thuật !!!

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.