Biên giới văn hóa Việt Nam đến đâu?

Cuộc sống con người là hữu hạn – tức là có biên – mà cái hữu hạn ở đây là hữu hạn ngắn ngủi. Bảy tám mươi năm trong lịch sử nhân loại hàng vạn năm, chưa cần nhắc đến lịch sử trái đất và vũ trụ. Vô biên là không có mép, “biên” hay “cương” hay “cảnh” đều có nghĩa là mép, viền hay giới hạn… Ba từ nay người Việt mượn của người Trung, từ khi chuyển sang chữ Quốc Ngữ, nhiều người trẻ không hiểu về chúng.

Biên có hai loại biên, biên không gian và biên thời gian. Đa số mọi người chỉ hình dung về biên không gian, chứ ít hình dung về biên thời gian. Khi nói “vũ trụ vô biên” – điều mà nhiều người, nhất là người cứ trẻ tưởng là câu nói này ẩn chứa gì đó cao vời, thâm sâu quá tầm hiểu biết của con người – thì thực ra đó đơn giản chỉ là nói “vũ trụ không có mép”. Tuy vậy, một số người hiểu thiên văn và ngôn ngữ chỉ hình dung về mép không gian, kỳ thực vũ trụ còn không có cả mép thời gian. Tất nhiên, cho đến nay nhận định này vẫn còn đúng.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm: chu trình nhận thức của một con người – từ trẻ nhỏ ngây ngô cho đến khi thành người có bản lĩnh về sự hiểu biết – là học tuần tự theo các lĩnh vực sau: khoa học -> chính trị -> kinh tế -> văn hóa -> tôn giáo. Tôn giáo tạm thời bài này không nói. Khoa học thực chất là học lí lẽ (mà bản chất là logic), không hiểu lí lẽ thì những ngành phía sau không học được. “Nhân bất học, bất tri lí” – người không học không hiểu lí lẽ. Không hiểu lí lẽ thì ngu muội, không nói lí được, rất dễ làm càn… Kẻ học thiên lệch rồi làm càn còn đáng sợ hơn kẻ ngu muội.

***

Nhìn trên thế giới chúng ta thì chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đều có biên giới. Chính trị từng có biên giới “tư bản chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa” trong chiến tranh lạnh. Kinh tế tuy bây nay toàn cầu hóa nhưng vẫn có biên giới nhất định, biên giới hiệp định, biên giới đồng minh phe nhóm… Văn hóa thì có biên giới giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Tôn giáo thì có biên giới giữa các tôn giáo lớn như Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo…

Nhưng khoa học lại không có tính biên giới. Đơn giản là vì, dù anh có tôn thờ thứ gì thì anh cũng phải sống đúng nguyên tắc, sống thuận với tự nhiên, đó chính là khoa học vậy. Góc độ xã hội, tri thức khoa học còn phục vụ sản xuất, phục vụ cuộc sống… Iran muốn sản xuất bom nguyên tử, Iran phải nghiên cứu khoa học, Bắc Triều Tiên cũng vậy… Bài này tôi bàn sâu hơn về “cương vực văn hóa”, cụ thể là cương vực văn hóa của Việt Nam trên thế giới rộng được đến đâu? Trung Quốc ngăn rất nhiều bộ phim của Hollywood, rất nhiều nước cũng ngăn cản Trung Quốc đặt học viện Khổng Tử ở nước mình, đó là cương vực văn hóa vậy!

Vậy văn hóa của Việt Nam đóng góp cho cộng đồng nhân loại là gì? Biên giới – cương vực – của văn hóa Việt Nam đến đâu? Hay không quá cảnh được ở biên giới (cứng) của đất nước? Đúng ra, câu hỏi nên đặt cụ thể hơn là: có cách nào để một người Việt Nam sống trong biên giới đất nước, trong nền chính trị và kinh tế hiện tại, làm văn hóa mà thế giới cảm thấy những giá trị người đó tạo ra là quý và họ muốn học hỏi không? Có thể hoạt động trong khuôn khổ kiểm duyệt “tư tưởng và văn hóa” của đảng mà vẫn tạo ra giá trị quý về văn hóa cho nhân loại không? Đó là điều tôi vẫn đang suy nghĩ.

***

Xưa nay, tôi để ý thấy bài hát “Chú ếch con”, truyện ngắn “Dế mèn phiêu lưu ký” và “Truyện Kiều” bằng thơ lục bát là được dịch ra nhiều thứ tiếng, là được thế giới ưa chuộng. Điều này thì ai cũng hiểu, vì đây những tác phẩm giải trí đơn thuần, không có tính chính trị (ca ngợi đảng và bác) nên chúng không có biên giới. Đây đều là những tác phẩm thuần về nghệ thuật, ta thấy có tác phẩm nào về tư tưởng, triết học hay lý tưởng vượt biên không? Tất nhiên là có như: tư tưởng chiến tranh nhân dân, lý tưởng độc lập tự do… Và chúng ta đều biết, chúng có biên ở những nước nhất định.

Vậy các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là gì? Xin thưa, chúng đều là các giá trị quý do người xưa đúc kết qua nhiều năm để lại thôi – thời đại này không tạo ra điều gì hết, không tận diệt đến mức làm đứt đoạn văn hóa là may rồi – đó là: nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiên Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, ca Trù, hát Xoan, đàn ca tài tử Nam Bộ, tín ngưỡng thờ vua Hùng, thờ Mẫu, thờ Thánh Gióng… Những mạch ngầm văn hóa luôn có sức sống dữ dội, bất chấp những thời đại điên loạn của những chế độ độc tài. Đã có những lúc văn hóa với văn nhân nghệ nhân, tao nhân mặc khách bị bóp nghẹt đến mức tức thở.

Là một đất nước có vị trí địa chính trị và kinh tế nhạy cảm, lại ở cạnh một anh láng giềng vừa to vừa thâm, với những tham vọng vô biên của các quân vương chuyên chế của các thời phong kiến tập quyền xưa, bản thân Việt Nam đã bị cưỡng bách về chính trị, quân sự, kinh tế dẫn đến những cưỡng bách về văn hóa. Khát vọng thoát Trung nghìn năm nay vẫn còn đang khắc khoải chưa thành hiện thực, nói gì đến ước mơ vươn văn hóa ra toàn cầu. Nhưng đây là mục tiêu (mơ ước) chúng ta cần đặt ra và cần phải làm được, nếu muốn đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

***

Tôi là người đấu tranh cho tự do tư tưởng và tự do văn hóa, điều này tôi không giấu, đúng ra là không giấu được. Thời gian qua, ai theo đọc các bài viết của tôi sẽ thấy, nhất là các “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Tuy nhiên, với sự kiểm duyệt tư tưởng văn hóa gắt gao của đảng, thì đấu tranh vì sự tự do của hai lãnh vực này là đấu tranh với đảng. Đó là cái đích buồn cười mà tôi không mong đợi. Dĩ nhiên, điều này không mới, đã có nhiều tiền nhân trải qua, rồi bị đày đọa đến thân tàn ma dại… Chọn nghiệp văn, nhất là văn phi hư cấu dưới các chế độ chuyên chế là dễ yểu mệnh. Tôi  làm khoa học và văn hóa chứ không làm chính trị. Phí!

Vậy tại sao lại phải đấu tranh cho tự do tư tưởng, cho tự do văn hóa? Xin thưa, những giá trị văn hóa đáng quý của đất nước ta hiện nay được thế giới công nhận phần lớn là những giá trị mà đất nước ta – cụ thể là đảng ta – muốn đập bỏ một thời (điên loạn). Đúng ra là ta đã muốn đập bỏ rồi, nhưng may nhờ những mạch ngầm sức sống dữ dội nên các giá trị vẫn tồn tại được, để bây giờ đất nước mới còn những giá trị quý được thế giới tôn vinh. Đó là lí do hùng hồn nhất cho việc cần phải đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do văn hóa. Nếu đất nước chỉ có một tư tưởng, chỉ có một văn hóa, thì khi nó bại hoại, đất nước cũng bại hoại.

Một ngàn năm nữa người ta sẽ ít nhắc đến Stalin, Mao nhưng người ta sẽ vẫn nhắc nhiều đến Newton, Einstein, Khổng Tử, Lão Tử… Hậu duệ của Khổng Tử (hiện ở Đài Loan) được phong tước qua 70 đời, dưới các chế độ phong kiến khác nhau của Trung Quốc cho thấy, làm văn hóa vẫn “bền” và “lành” nhất. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại không đại diện cho văn hóa Trung Hoa. Những chế độ thành công từ các cuộc cách mạng nông dân thường hỏng từ thế hệ thứ ba, thứ tư… Những thôi thúc bản năng của con người vẫn là điều đáng sợ nhất. Ngược lại với chúng là giai đoạn cao của nhận thức – lí tính. Khoa học và văn hóa là hai lĩnh vực cần đến lí tính, với thiên hướng là sáng tạo. Sống bản năng cảm tính thì dễ, sống nhận thức lí tính mới khó. Việc dễ ta để cho người đi, đó chính là thương người vậy!

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.