Một bài học khởi nghiệp thất bại

Sau khi lập doanh nghiệp và kinh doanh bất thành, chuẩn bị quay lại đi làm thuê, chàng kĩ sư IT nhận ra rằng: doanh nghiệp muốn thành công trước hết phải có doanh số ổn định, cùng với đó anh hiểu ra tầm quan trọng của “dự phòng tài chính” để ứng phó những lúc khó khăn.

Khởi nghiệp hiện là một xu thế mới ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ thất bại là rất cao, trên các 80% công ty phá sản trong ba năm đầu tiên. Bài học thất bại của các doanh nhân này luôn có giá trị đối với các doanh nhân khác và cả cộng đồng. Dưới đây là một câu chuyện khởi nghiệp thất bại của một doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bạn tôi là một kỹ sư phần mềm, làm việc trong một công ty về công nghệ thông tin. Anh làm việc rất chuyên nghiệp và tận tâm, nên khách hàng của công ty đã khuyên ra làm riêng, họ sẽ chuyển đơn hàng sang cho anh. Vì vậy anh quyết định khởi nghiệp và vị khách hàng đó trở thành đối tác chiến lược của công ty anh.

Một thời gian sau, tình hình kinh doanh của công ty khách hàng dần thay đổi, những người bạn thân thiết cũng lần lượt ra đi, rồi số lượng đơn hàng giảm dần… Anh nhận ra sự bấp bênh khi phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất, nên và mọi người đã cố gắng tìm kiếm khách hàng mới.

Tuy nhiên, vì anh không có nhiều mối quan hệ nên không thể tìm ngay được khách hàng. Anh nghĩ đến việc lập nên các website dịch vụ, nhưng rồi các trang này vẫn không được khách hàng sử dụng nhiều, nên tình trạng thua lỗ cứ kéo dài. Tiếp theo, không còn khả năng trả lương cho nhân viên, cuối cùng là anh phải quyết định đóng cửa doanh nghiệp.

Mặc dù chuyện kinh doanh của doanh nghiệp mình thất bại, nhưng anh bạn tôi đã học được nhiều điều. Câu nói “không thành công cũng thành nhân” đúng trong trường hợp của anh. Thấm thía, anh đã nói với tôi rằng: “Kết cục, tôi đã không còn là một doanh nhân, nhưng tôi đã học được khá nhiều điều”.

***

Anh chia sẻ, điều đầu tiên anh hiểu được là: “cảm giác khi trả lương”. Nhân viên luôn nghĩ việc nhận lương mỗi tháng là chuyện đương nhiên, nhưng khách hàng họ lại không nghĩ là phải trả tiền cho công ty của anh mỗi tháng. Đây thật sự là điều khắc nghiệt, nhưng để làm cho nhân viên hiểu điều này lại là một việc khá khó khăn.

Vì vậy, để tồn tại các doanh nhân phải nói cho nhân viên của mình hiểu sâu sắc rằng: “nếu khách hàng không trả tiền cho công ty, thì chúng ta sẽ không có thu nhập, và rồi công ty sẽ phá sản”. Cho nên, các bạn hãy làm tốt nhất để khách hàng trả tiền mình. Đó chính là nguồn sống của chúng ta.

Bài học thứ hai là tầm quan trọng của “dự phòng tài chính”. Khi anh còn làm công ăn lương, thấy công ty có doanh thu lớn, anh luôn nghĩ là công ty trả lương cho mình quá thấp. Tuy nhiên, sau khi ra làm riêng anh đã hiểu là công ty còn phải đóng thuế, trả lương, bảo hiểm các loại cho nhân viên và nhiều loại chi phí khác…

Khi gặp rủi ro, không có đơn hàng, doanh số phập phù, thậm chí không có, công ty vẫn phải tiếp tục trả lương cho nhân viên. Chính vì thế, anh đã học được là bao giờ cũng phải có nguồn tài chính dự phòng cho những giai đoạn khó khăn. Trước khi khởi nghiệp, phải xác định là công ty mình có thể chịu được khó khăn trong bao lâu.

Điều thứ ba là, khi muốn vẽ nên một kế hoạch kinh doanh lớn lao trong tương lai, thì hiện tại công ty cần phải có thu nhập ổn định. Những việc anh đã làm là vẽ ra một tầm nhìn lớn, tạo ra một mô hình kinh doanh có hệ thống cao thấp bài bản, nhưng lại không tính chắc kế hoạch trong ngắn hạn, đó là bước từng bước một cách chắc chắn, hiệu quả…

Anh cho biết, mình đã gọi điện thoại cho các khách hàng chiến lược để hỏi “Các ông (bà) có việc cho công ty của tôi không?” Và cũng đã nhờ họ “giới thiệu khách hàng cho mình”. Nhưng như thế nghĩa là vẫn chỉ trông chờ vào một khách hàng duy nhất, và chờ được giới thiệu khách hàng. Nghĩ lại anh thấy mình thật ngây ngô.

Sách báo thường bảo, để trở thành một nhà kinh doanh xuất chúng, thì phải có những “mô hình kinh doanh hoàn hảo”, phải “đưa ra những sản phẩm khác biệt”, nhưng hầu hết các công ty trước khi làm được điều đó cần phải lo cho sự tồn tại của mình trước đã. Không sống được hiện tại, thì không thể mơ mộng đến tương lai. Không hiểu, “hụt hơi tài chính” đã “giết” bao nhiêu công ty.

Bài của Bằng Lăng trên VnExpress.net

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.