Kỳ nhân dị sĩ là gì?

Các giá trị học thuật trên đời chia làm hai loại: chính tông và phi chính tông. Chính tông là những người được học hành bài bản trong trường lớp, có giáo trình và được thày cô chỉ dạy bài bản, học xong được cấp bằng và được xã hội công nhận. Phi chính tông là những người tự học, tự nghiên cứu nên có thể họ tạo ra những giá trị học thuật rất lạ.

Thanh niên thì thường kiến thức và kĩ năng chưa đầy đủ, họ chưa có nhiều trải nghiệm quý để tích lũy kinh nghiệm, đó gọi là chưa đầy đủ bản lĩnh. Vậy nên, khi những người trẻ gặp phải “kỳ nhân dị sĩ” thì họ thường bị bối rối, choáng ngợp, không biết đối phó với đối phương thế nào, sợ nhất là gặp những người có phong cách quái lạ, ma mị…

Nói về học thuật, chúng ta hay nghĩ đến các giá trị lý thuyết, hàn lâm, khó hiểu… Thật ra không phải vậy, học thuật có cả trong thực tế cuộc sống: một miếng võ hay cũng là học thuật, một đường bóng đẹp cũng là học thuật… Và tất nhiên, một thế võ mới, một môn võ mới, một phong cách bóng đá mới càng là những giá trị học thuật.

***

Lấy thí dụ về võ thuật cho dễ hiểu, võ lâm Trung Nguyên ở bên Trung Quốc xưa có các môn phái chính tông là: Thiếu Lâm, Võ Đang, Cái Bang… Đó thường là các danh môn chính phải, thường đứng về đại nghĩa, bảo vệ quần hùng, lo cho bách tính (quần hùng) không… Nhưng ở các thời khác nhau võ lâm Trung Nguyên còn có thêm những môn phái khác như Minh Giáo, Ngũ Độc, Cổ Mộ, Tiêu Dao…

Các danh môn chính phái thì thường những lời nói và hành động của họ, kể cả là từ học trò mới nhập môn, phải quang minh chính đại, công khai, đàng hoàng. Trước một việc không nói hai lời, không làm việc mờ ám… Các môn võ của họ đều có giáo trình bài bản: hiểu rõ về cơ địa con người, nội công, chiêu thức và các loại vũ khí. Các môn phái dạy võ cho đời, những người học ở đây sẽ có chính danh, được xã hội công nhận.

Kỳ nhân dị sĩ thì không học ở các danh môn chính phái. Họ là những người tự luyện, thường là cách xa nhân thế, ở những nơi thâm sơn cùng cốc, núi cao vực thẳm… Quan sát thiên nhiên mà sáng tạo ra các loại võ như: võ khỉ, võ hổ, võ rắn, võ mèo… Khi đưa ra thi đấu, nếu những người của danh môn chính phái bản lĩnh không cao cường, chưa nắm vững những điều căn bản, thì ban đầu có thể gặp bất lợi mà bị lép vế, thậm chí thua cuộc.

***

Hay như trong bóng đá, “cậu bé vàng” Maradona là người đưa bóng đá đường phố vào các giải đấu chính thức. Các đường rê bóng của ông rất ma mị nên đối thủ của ông không biết đường nào mà lần, không thể ngăn chặn nổi. Thực ra, có lẽ các ý tưởng đến với ông cũng bất ngờ, nên chính bản thân ông cũng không biết mình sẽ làm gì tiếp theo, thì đối phương của ông không biết được cũng là điều dễ hiểu.

Sự “khôn ngoan” của nhân loại từ thủa hồng hoang đến nay là một quá trình tích lũy rất công phu, bài bản… Phần lớn các giá trị đều phải trả bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu nên, tri thức là vô giá. Tri thức của nhân loại là có hệ thống, từ những giá trị tổng quan đa ngành, đến những kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực.

Ấy thế nhưng, muốn có bước đột phá trong phát triển, thì nhân loại cần các “kỳ nhân dị sĩ”. Đó là những người không theo môn phái nào cả, họ như từ trên trời xuống, rồi khi họ sáng tạo ra các giá trị mới của mình, hoàn thiện chúng từ cơ sở lí luận đến thực hành rồi có được kết quả, họ sẽ tạo ra một con đường mới. Einstein từng nói: “Tôi chưa sáng tạo ra bất cứ thứ gì bằng cách tư duy hợp lý”.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.