Điều kiện cần để dân chủ

Dân chủ là mục tiêu và động lực phát triển của mỗi đất nước. Dân chủ là dân làm chủ, chính quyền được lập ra từ nhân dân và hoạt động vì nhân dân. Dân chủ là người dân được tự do trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Dân chủ là người dân được cất lên tiếng nói và chính quyền có nghĩa vụ phải giải quyết các yêu cầu chính đáng của họ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy dân chủ ở những nước có nền dân trí cao mới đem lại hiệu quả thực sự. Chứ tự do dân chủ ở những nước dân trí quá thấp sẽ chỉ tạo ra sự hỗn loạn. Một đất nước muốn nâng cao dân trí thì cần có các điều kiện phù hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Theo người viết, các điều kiện tiên quyết để có dân chủ là.

1. Tôn trọng ý kiến của người khác
Cuộc sống đa sắc, muôn màu. Mỗi người đến với thế giới trong một hoàng cảnh khác nhau, nhận được nền giáo dục khác nhau, có những trải nghiệm và đúc rút khác nhau nên có những nhìn nhận khác nhau về cuộc sống. Từ những quan điểm sống đó mà trước mỗi vấn đề, sự vật, sự việc trong xã hội thì mỗi người có cách giải thích khác nhau.

Dân chủ là quan điểm của mọi người đều phải được tôn trọng. Tất nhiên, từ nhận thức, lời nói và hành động của quan điểm đó đầu tiên phải nằm trong phạm vi của hiến pháp và pháp luật, sau đó phải nằm trong khuôn khổ của chân lý, công lý và luân lý. Anh chị không thể có quan điểm sống lệch lạc, mà lại muốn được mọi người tôn trọng.

2. Không nỗ lực cải tạo người khác
Mọi vấn đề trong cuộc sống, hễ cứ không liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người thì đều không được ngăn cấm. Trong các cuộc trao đổi, thảo luận những người quan trọng hơn cũng chỉ được thể hiện quan điểm của mình, không được gợi ý hay ép buộc người khác phải thay đổi quan điểm của họ. Không được bắt người khác nghĩ giống mình.

Theo các nguyên tắc về dân chủ thì bất kỳ cuộc thảo luận nào, ngoài luận chứng, luận cứ và luận điểm của các thành viên, mọi vấn đề khác đều là thứ yếu. Khi thảo luận thì không phân biệt chức vụ, tài sản, bằng cấp, tuổi tác… Tất cả các vấn đề trung tâm là quan điểm, ý kiến của các thành viên. Luận điểm là gì, có được luận cứ và luận chứng bảo vệ không.

3. Bí quyết là nâng cao dân trí
Một người kém hiểu biết sẽ dễ cực đoan và bảo thủ, rồi dẫn đến không tôn trọng ý kiến của người khác, muốn cải tạo người khác, bắt người khác nghĩ và làm giống mình. Cho nên nâng cao dân trí là điều kiện tiên quyết để có dân chủ. Để nâng cao dân trí cần có hai điều kiện: 1. Giáo dục tự do khai phóng và 2. Truyền thông đa chiều, tự do ngôn luận.

Khi giáo dục tự do học sinh được tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và trào lưu hơn, từ đó các em có góc nhìn đa diện hơn về cuộc sống. Khi truyền thông đa chiều thì nhân dân được tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau, từ đó hình thành nhiều quan điểm, chính kiến khác nhau. Các nhân cách toàn diện, cá nhân xuất chúng sẽ xuất hiện từ đó.

Thay lời kết
Dù có lý luận kiểu gì thì chúng ta cũng phải công nhận một thực tế khách quan là, những nước dân chủ thì kinh tế xã hội thường phát triển hơn, văn minh hơn những nước chuyên chính, chuyên quyền. Mục tiêu cao nhất của chính trị là nhân dân được ấm no hạnh phúc, chứ không phải ổn định xã hội hay việc duy trì quyền lực của cá nhân hay tổ chức nào đó.

Cho nên cá nhân hay tổ chức nào vì lợi ích của mình, vì quyền lực và bổng lộc của mình mà ngăn cản quá trình nâng cao dân trí, ngăn cản quy luật mở rộng dân chủ xã hội, thì cá nhân và tổ chức đó sẽ bị nhân dân và lịch sử phán xét. Lịch sử phát triển nhân loại ngàn năm là quá trình cải thiện đời sống, nâng cao dân trí và mở rộng dân chủ. Đây là quy luật.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.