Barack Obama và Robin Hood

Barack Obama và Robin Hood sống ở hai thời đại khác nhau, ở hai đất nước khác nhau, cách thức hành động và vị thế xã hội của hai người này cũng khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là đều lấy của nhà giàu chia cho người nghèo.

Những số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ thấp nhất trong 15 năm qua, đời sống của giới trung lưu dần ổn định, nước Mỹ đã vượt qua khủng hoảng. Thế giới công nhận, Mỹ hiện là nước duy nhất có nền kinh tế phát triển lạc quan.

Điều này cho thấy các chính sách đối nội, đối ngoại của Obama là đúng đắn. Đối ngoại, lớn nhất có lẽ là việc khai thác dầu từ đá phiến khiến giá dầu giảm, Mỹ có thể tự chủ được về năng lượng. Đối nội là một loạt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ các quyền lợi về y tế, giáo dục cho người dân – nhất là giới trung lưu.

Ai đã phải chi trả cho giới trung lưu và nền kinh tế Mỹ? Hai đối tượng, đó là 1. Người nắm giữ đồng USD trên toàn thế giới, và 2. Giới tài phiệt Mỹ. Đồng USD từ lâu là đồng tiền của cả thế giới. Để kích thích kinh tế, nước Mỹ in tiền tài trợ cho các chính sách. Đồng USD mất giá, số lượng (tờ) vẫn giữ nguyên trong các két trên toàn thế giới, nhưng giá trị giảm xuống.

Còn giới tài phiệt… Ta vẫn biết thuế của Mỹ đánh rất cao vào giới nhà giàu. Càng kiếm được nhiều tiền, anh càng phải nộp thuế nhiều. Từ lâu giới nhà giàu Mỹ ghét cay ghét đắng điều đó! Rất giống câu khẩu hiệu “Cần lao nhân vị”, họ ghét chính quyền với thuế thu nhập – đại diện là Obama.

yes i can

Thực ra, giới nhà giàu Mỹ không “đáng ghét” như các nước cánh tả vẫn tuyên truyền. Bởi nếu họ thực sự đáng ghét vậy, Obama và đảng dân chủ của ông đã không thành công đến thế. Họ sẵn sàng vì người dân và đất nước mà bớt đi vài chai rượu trong tủ, một chiếc siêu xe trong bộ sưu tập, chi tiền cho Obama. Vấn đề là Obama sử dụng tiền như thế nào?

Thực tế, đồng tiền của giới nhà giàu Mỹ ra xã hội, rồi cuối cùng lại cũng quay về với họ mà thôi. Tiền trong xã hội Mỹ luân chuyển như thế nào? Nhà giàu nộp thuế vào ngân sách, tài trợ cho giới trung lưu. Giới này có cuộc sống khá khẩm hơn, họ tiêu sài thì chủ các nhà cung cấp lớn nhỏ, các thương hiệu bán lẻ, tiêu dùng mọi mặt trong xã hội Mỹ lại chính là giới nhà giàu Mỹ.

Giáo dục là một hạng mục được tài trợ. Giáo dục tạo ra những kĩ sư, công nhân tay nghề cao, thợ lành nghề… Những người này rồi lại làm thuê – xây dựng ước mơ – cho giới tài phiệt. Nếu có anh chàng nào đó ở giới trung lưu vươn lên thành giàu có, thì điều đó không hề làm giới tài phiệt buồn lòng. Những người như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg sẽ tạo ra công ăn việc làm và niềm hứng khởi mới cho nước Mỹ.

Tâm tư của giới nhà giàu Mỹ là họ không muốn bỏ tiền của mình cho giới trung lưu tổ chức các buổi tiệc tùng, liên hoan dài lê thê hết ngày này qua ngày khác trên khắp nước Mỹ. Tiệc tùng, nhậu nhẹt rồi say xỉn, chửi đổng và lười nhác. Họ không muốn chi tiền cho những kẻ nát rượu, rồi bạo lực và phá phách ở khắp nơi. Tiền chỉ nên đưa vào tay của những người xứng đáng.

Trong thông điệp liên bang đầu năm 2015 của mình, Obama cho thấy chính quyền của ông đã đạt được những thành tựu nhất định. Điều này có được là nhờ tiền Mỹ – đồng USD – gần như là đồng tiền chung của cả thế giới, và giới nhà giàu Mỹ (noi gương Warren Buffett và Bill Gates) đã chịu mở hầu bao để làm từ thiện và an sinh xã hội.

Cũng là lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, nhưng Obama không dùng cung tên – bạo lực – như Robin Hood, ông dùng khả năng thuyết trình và luận giải. Hơn tất cả, Obama – tổng thống của nước tư bản lớn nhất thế giới – đã dạy cho nguyên thủ của các nước xã hội chủ nghĩa (cánh tả) trên thế giới một bài học lớn về cách vì dân.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.