Những bất hợp lý của luật phong hậu cờ vua

Đúng ra thì phải viết là luật phong, vì người chơi có thể phong thành một quân tùy ý, chứ không nhất thiết phải là quân hậu. Tuy nhiên, đa số các trường hợp người chơi thường phong thành quân hậu – quân mạnh nhất – nên người viết gọi luôn thành luật phong hậu cho tiện. Luật phong được diễn giải như sau: quân tốt của một bên khi đi đến hàng cuối cùng của bàn cờ bên phía đối phương, được phong (đổi) tùy ý thành một quân cờ khác, trừ quân vua.

Luật phong theo người viết được hình thành trên ý tưởng: một người lính sau khi trải qua nhiều trận chiến (hình tượng là quân tốt đi đến hàng cuối cùng phía đối phương) sẽ trở nên dày dặn trận mạc, người lính đó sẽ rất giàu kinh nghiệm, có thể đôn lên thành một chiến tướng. Tuy nhiên, với việc cờ vua hiện đại thay đổi tên gọi (cũng như việc quy ước) quân cố vấn của cờ Shatranj (cờ của người Ba Tư xưa – Iran nay) thành quân hậu, thì việc phong hậu có những điểm bất hợp lý sau:

1. Bất hợp lý về mặt giới tính
Quân tốt là lính, binh lính thì toàn là đàn ông, phong thành hậu – hoàng hậu – vợ vua thì được hiểu như thế nào? Thế hóa ra vua lấy đàn ông, vua là đồng tính nam à? Điều này là bất hợp lý về giới tính con người. Luật này chỉ đúng khi vua là phụ nữ – nữ hoàng. Mà nữ hoàng trong lịch sử thì rất ít.

Hoàng hậu và nữ hoàng trong chính trị phương đông là hai chức vụ khác hẳn nhau. Hoàng hậu là vợ vua đương chức, hiểu như đệ nhất phu nhân bây giờ. Còn nữ hoàng là vua là một phụ nữ (woman king), vua nữ này sẽ có đệ nhất phu quân. Không hiểu sao trong tiếng Anh hai từ này đều là “queen”.

2. Bất hợp lý về mặt cơ cấu tổ chức
Trường hợp phong hậu nữa khi hoàng hậu đương chức, xưa nay trong lịch sử, các vị vua dù có nhiều vợ nhưng chỉ một người được phong là hoàng hậu, còn lại những người khác chỉ là ái phi. Vì khi có hai hoàng hậu có thể xảy ra những chuyện tranh giành địa vị và quyền lực hết sức phức tạp.

Ở những nước quy ước quân hậu là tể tướng hoặc tư lệnh quân đội, thì việc phong thêm một tướng nữa – khi tướng kia vẫn đương chức – sẽ phá vỡ cơ cấu quân đội. Hai tướng – như hai hổ sống chung một rừng – sẽ dẫn đến chuyện chia bè phái trong quân đội, dễ gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết.

3. Bất tiện trong công tác chuẩn bị
Ta đều biết, cờ vua dù thi đấu hàng ngày hay thi đấu ở các giải lớn, mỗi một bàn cờ đều phải chuẩn bị thêm hai quân hậu cho hai bên, để đề phòng khi người chơi phong hậu. Thế là từ khâu sản xuất, phân phối, bảo quản, chuẩn bị cho các giải đấu đều phát sinh thêm những quân hậu chờ để phong rất cách rách.

Tuy vậy nhưng đa số các ván cờ đỉnh cao không có chuyện người chơi phong hậu. Rồi ngược lại khi một người muốn phong hai, ba hậu thì lại không chuẩn bị được con hậu thứ hai, thứ ba để người ta phong. Rồi người chơi nào chỉ muốn phong xe, trong khi vẫn còn hai xe, thì không có quân xe dự phòng cho người ta phong.

Lời kết
Hậu cờ vua là quân cờ được đổi tên (cũng là quy ước) và cung cấp thêm sức mạnh từ quân cố vấn trong cờ Shatranj của người Ba Tư (Iran ngày nay). Ban đầu cờ Shatranj đến châu Âu, quân cố vấn chỉ được đi chéo một ô. Không hiểu vì lý do gì, trong sáng hay mờ ám, mà người châu Âu đổi tên quân cố vấn thành quân hậu và cung cấp cho nó sức mạnh khủng khiếp khi được đi cả dọc, ngang và chéo tùy ý.

Việc cung cấp cho quân hậu quá nhiều sức mạnh dẫn đến chuyện mất cân đối về sức mạnh ngay trong chính đội hình một bên. Quân hậu đại diện cho hoàng hậu – vợ vua – một phụ nữ nhưng lại ra trận, mà lại có sức mạnh vô địch khi được đi cả dọc, ngang và chéo vô biên, văn võ song toàn, văn toán song tuyệt, lịch sử chưa từng ghi nhận có nhân vật nữ nào như thế. Do đó, tên gọi và nước đi của quân hậu cờ vua cần được xem lại.

Giới thiệu Thành
Hòa khí sinh tài

2 Responses to Những bất hợp lý của luật phong hậu cờ vua

  1. Vn says:

    Nước khác không biết, nhưng nước mình có Hai Bà Trưng.

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.